Xem thêm:
Đảo Kim Cương: Đảo sinh thái trong lòng Thành Phố
Sáng nay (14/03), Hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản” đã diễn ra tại trường Đại học Luật TP.HCM (Quận 4) với sự tham dự của các đại biểu và chuyên gia đầu ngành. Nhiều tham luận và các ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia bất động sản đã cùng nhau mổ xẻ các bất cập và lỗ hổng cần hoàn thiện của luật về kinh doanh bất động sản.
Cần có cơ chế đảm bảo việc chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích tiền ứng trước của khách hàng. Ảnh: KL
Sau hơn 3 giờ trình bày và thảo luận với các tham luận của các chuyên gia đầu ngành, hội thảo đã tóm gọn lại với 12 kiến nghị cơ bản như sau:
- Mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài như tổ chức, cá nhân trong nước để đảm bảo tính công bằng, khuyến khích đầu tư và đảm bảo tính cạnh tranh.
- Thay đổi thuật ngữ về tên chủ thể hoạt động kinh doanh bất động sản là: Doanh nghiệp, hợp tác xã” thay vì “tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài” để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai 2013.
- Thống nhất bỏ quy định về việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch để giảm bớt thủ tục, chi phí giao dịch kinh doanh bất động sản.
- Quy định lại tiêu chuẩn hành nghề môi giới bất động sản: chỉ nên quy định tốt nghiệp trung học phổ thông; bổ sung thêm đã qua đào tạo và sát hạnh về kiến thức môi giới bất động sản. Ngoài ra, cần xem xét lại chương trình đào tạo môi giới bất động sản cho phù hợp.
- Kiến nghị cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư có điều kiện huy động vốn, khai thác từng phần công trình trong quá trình xây dựng.
- Quy định rõ điều kiện huy động vốn theo hình thức mua bán nhà, công trình xây hình thành trong tương lai.
- Mở rộng hơn điều kiện tham gia góp vốn thỏa thuận phân chia nhà ở của cá nhân, hộ gia đình (không giới hạn về số lượng nhà ở được góp vốn) và cho phép chuyển nhượng quyền góp vốn (quyền được phân chia nhà ở) để đảm bảo sự linh hoạt của thị trường và nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp (Đối với trường hợp kinh doanh nhà ở).
- Bỏ quy định về áp dụng lãi suất tiền vay của ngân hàng thương mại làm cơ sở phạt hợp đồng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạt hợp đồng (Điều 16 Dự thảo).
- Đề nghị quy định tất cả các giao dịch kinh doanh bất động sản phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng (không chỉ giao dịch giữa những tổ chức như quy định trong Dự thảo).
- Cần có cơ chế đảm bảo việc chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích tiền ứng trước của khách hàng.
- Mở rộng đối tượng, phạm vi người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng nhà ở và góp phần hội nhập quốc tế.
- Cần đảm bảo sự thống nhất trong quy định giữa các luật có liên quan để kinh doanh bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản;…
Tuy những kiến nghị trên vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cũng đã phần nào khái quát được rõ ràng, cơ bản nhất những bất cập, tồn tại cần được khắc phục ở dự luật quan trọng này. Bởi lẽ Luật Kinh doanh bất động sản là dự luật sẽ còn tác động mạnh mẽ và chi phối lớn đến đời sống kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp trong tương lai.
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét