Xem thêm:
Nâng cao tính minh bạch trong quản lý, sử dụng đất
Từ Tết Nguyên đán tới ra Giêng, là thời gian "nông nhàn" của dân môi giới. Người ta lại cùng nhau ôn lại, chia sẻ các bài học kinh nghiệm thông qua đủ loại tình huống "cười ra nước mắt" khi bươn chải, kiếm tiền từ việc trung gian giao dịch BĐS.
Thị trường BĐS Việt Nam luôn là đề tài đa góc cạnh và được phản ánh nhiều chiều. Trong đó, bức tranh môi giới BĐS nói riêng, hay nghề kinh doanh dịch vụ địa ốc nói chung, được "tô vẽ" bởi vô số câu chuyện từ chính những người trong cuộc.
Bỗng nhiên... mất tiền
Xưa nay, giới chuyên gia đầu ngành BĐS, bản thân các chủ đầu tư, hay đặc biệt là người dân "đỏ mắt tìm mua nhà" tại những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM mặc định cho rằng môi giới địa ốc là nghề kiếm tiền đơn giản và dễ nhất. Lúc thị trường "sốt ảo" vào giai đoạn 2008-2012, môi giới, nhà đầu tư lướt sóng kiếm tiền dễ như thò tay vào túi.
Tới khi BĐS "trầm xuống" và thực sự "nằm im" từ cuối 2012 đến nay, nghề kinh doanh dịch vụ không vì thế mà bị triệt tiêu. Kết hợp bán hàng trực tuyến, phân phối hàng tiêu dùng theo thời vụ, liên kết sàn, trao đổi hàng, chuyển hàng chéo, "nhảy" từ môi giới tự do sang "đầu quân" cho sàn chính tắc… là các cách môi giới tự tìm đất diễn cho mình để tồn tại (thậm chí sống khỏe) hơn 1 năm qua.
Thế nhưng, ngay cả những cái đầu "có sạn" trong nghiệp môi giới cũng bị chính khách hàng của mình "dắt mũi". Làm nghề môi giới gần 5 năm nay, kiến thức, "chiêu trò" đều đã thông thạo. Vậy mà tháng cuối năm 2013 lại bị chủ nhà và khách "lật kèo" vì mình… cả tin, anh Văn, nhân viên môi giới của một sàn giao dịch BĐS thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, nhăn nhó cho biết.
Cụ thể, tháng 10/2013, anh Văn xúc tiến thương vụ mua bán một căn chung cư Royal City, rộng 120m2, giá 4,5 tỷ đồng. Với dân sành sỏi, đây chính là trường hợp "cắt lỗ" ít nhất 500 triệu đồng, vì chủ nhà gặp khó khăn về tài chính. May mắn cho môi giới, vị khách hỏi mua nhà đồng ý trả 4,6 tỷ đồng (được bán với giá trên mức kỳ vọng của chủ nhà).
Môi giới được xem như nghề làm dâu trăm họ trong lĩnh vực BĐS bởi lợi nhuận luôn song hành cũng đủ nguy cơ chực chờ
Yếu tố dẫn tới tình huống môi giới bị "xù" tiền, chính là hợp đồng môi giới lại không đề cập tới việc khách phá cọc, phạt cọc. Sau khi đặt cọc 100 triệu đồng, chủ nhà và khách bất ngờ nảy sinh mâu thuẫn về giá căn hộ. Kết quả, khách "phá" hợp đồng và không liên lạc với môi giới lẫn chủ BĐS.
Trong trường hợp này, về nguyên tắc của hợp đồng môi giới, môi giới sẽ được nhận 30% số tiền cọc của khách hàng (nhận từ chủ nhà). Tuy nhiên, dù
mất công chăm sóc khách gần 2 tháng, người môi giới này chỉ nhận được cái lắc đầu từ chủ nhà, do sơ suất và cả tin trong quá trình hành nghề (bất chấp môi giới đã cẩn thận lưu tin nhắn, email với nội dung xác nhận mức hoa hồng được nhận nếu xảy ra việc khách phá cọc).
Được biết, tình trạng "cẩn thận một năm, sơ suất một phút" dẫn tới công sức bị phủ nhận như anh Văn nêu trên đang ngày một phổ biến. Và cao trào tới mức, một số môi giới địa ốc đã nhờ tới các đơn vị chuyên đòi nợ thuê (!) để đòi lại quyền lợi của mình – báo hiệu những sóng gió, mâu thuẫn mới trên thị trường BĐS.
"Thượng đế" quấy rối
Trong cuộc mưu sinh bằng nghề môi giới BĐS, rủi ro đối đầu với việc bị quấy rối đã trở thành hiện thực. Dù chưa có sự việc nào bị phanh phui trên công luận (cũng như đẩy tới mức xét xử mức độ vi phạm pháp luật), nhiều nhân viên môi giới đã trải qua ít nhất một lần bị chủ nhà "tấn công" trực tiếp hay gián tiếp. Minh Huyền, môi giới của sàn giao dịch TP (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) còn chưa hết bức xúc khi kể lại tình huống của mình. Trong quá trình xúc tiến bán căn hộ dự án Vimeco, Minh Huyền được chủ nhà hỏi thăm rất kỹ về xuất thân, tuổi đời, nơi ở và… tình trạng hôn nhân. Được biết Huyền thuộc thế hệ 9x, quê xa, mới ra trường 1 năm và độc thân, chủ nhà tỏ ra quan tâm đặc biệt tới khó khăn trong cuộc sống của môi giới, thay vì việc bán được nhà với giá tốt hay không.
Một ngày cuối năm, vị chủ nhà mời môi giới đến căn hộ để thỏa thuận về mức hoa đồng thương vụ lúc 22h. Đương nhiên, với nhận thức và cảm giác tự vệ, môi giới đã từ chối khéo. Suốt 2 tháng sau đó, ngày nào chủ nhà cũng nhắn tin, gọi điện "mời" môi giới đi chơi để… bàn việc, tới mức nạn nhân phải đổi số điện thoại và chuyển công tác.
Một câu chuyện khác, môi giới bị chủ nhà "bắt đền" vì nghi ngờ khách thuê có dấu hiệu sử dụng, tàng trữ ma túy. Tình huống liên quan tới một căn hộ cho thuê nằm tại Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội). Lâm, môi giới thành công cho thuê căn hộ với giá 10 triệu/tháng, thanh toán 3 tháng 1 lần. Khách dọn đồ tới thuê ổn định, chủ nhà đã nhận tiền, môi giới cũng được thanh toán đầy đủ tiền hoa hồng.
Tuy nhiên, chứng kiến khách thuê nhà đi vắng thường xuyên, và chỉ về nhà, tiếp khách sau 20h, đồng thời có mùi lạ từ căn phòng, chủ nhà liên tục gọi và yêu cầu môi giới xác định tình trạng khách hàng. Hợp đồng môi giới thường không đòi hỏi bắt buộc môi giới phải có trách nhiệm về nhân thân, tình trạng pháp lý của khách (chỉ quy định trách nhiệm đảm bảo giao dịch diễn ra đúng luật, hợp thức với vai trò môi giới, làm chứng). Cực chẳng đã, môi giới buộc phải liên hệ lại với khách và tìm cách dò la công việc thực sự. Kết quả, chủ nhà thở phào, vì… khách thuê là một kỹ sư nghiên cứu hóa chất!
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét